Monday, January 26, 2009

Bữa cơm đầu năm

Mồng 1 Tết. Trời lạnh ngắt. Mưa phùn càng làm cho tiết trời u ám và lạnh hơn. Ngoài đường lác đác mấy người vội vội vàng vàng phóng xe sao cho thật nhanh về đến tổ ấm của mình, còn tôi thì chỉ mong sao thật nhanh đến trường để tránh rét. Lạnh quá! Lạnh đến ghê người!

Sau một chặng đường dài, cuối cùng cũng đến nơi. Mở cửa. Đập vào mắt tôi là một chiếc bàn, trên bàn cốc chén, bánh kẹo ngổn ngang. Dưới là vỏ kẹo, vỏ hạt bí trải khắp sàn. Việc đầu tiên là rửa đống cốc chén, lau bàn và quét sàn nhà. Mọi việc xong xuôi, tôi bắt tay vào làm tiểu luận môn Triết. Ra Tết phải nộp rồi, không tranh thủ bây giờ chắc không xong được. Đang làm thì chị Liên gọi điện. Lẽ ra chị ấy cũng đến trực cùng, nhưng mưa lạnh thế này, tôi bảo chị ấy không phải đến. Cả năm mới được có mấy ngày Tết ở nhà cùng gia đình, lại phải trực thì tội lắm.

Đến giờ ăn trưa, chú Nhi - chú bảo vệ nhà trường, gọi tôi xuống công trường (vì nhà trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện) ăn trưa. Chú Quý - người trực công trường nấu bữa trưa cho tôi. Ba chú cháu ngồi ăn rất vui và ấm áp. Và những tâm sự của cả ba chú cháu cũng dần dần từ đó.

Câu chuyện đầu tiên của chú Quý. Chú có họ hàng với cô Hiệu trưởng. Trước đây chú làm ở Quảng Ninh, lương cũng được 2,5 triệu 1 tháng. Nhưng khi về đây làm cho người quen, chỉ được 900 ngàn đồng một tháng. Nhận tháng lương đầu tiên chú sững sờ. Nhà chú cũng không khá giả gì, con cái vẫn chưa ổn định, lương chỉ có ngần đó, sống sao đủ. Mà khổ nỗi, nguyên vật liệu hay chuyển về ban đêm, cứ 1 tiếng lại có một chuyến chuyển về. Có hôm chú chẳng ngủ được chút nào. Trời thì lạnh. Chỗ ngủ thì không có cửa, chỉ có mấy tấm gỗ che làm sao hết được gió. Mặc 3-4 cái quần, khoác 3-4 tấm áo rét mà vẫn thấy lạnh. Vậy mà lãnh đạo có bao giờ quan tâm đến đời sống của chú đâu. Chú cũng đã nhiều lần viết đơn nghỉ việc, nhưng nghĩ nếu đi thì chẳng còn ai. Vì tình nghĩa, chú ở lại. Nhưng ở lại cũng nhiều cơ cực lắm.

Câu chuyện thứ hai của chú Nhi. Chú là người nhiệt tình, có trách nhiệm và thương người. Vợ chú đang bị suy tim loại 3, hôm sơ kết vợ chú phải vào viện cấp cứu. Tết này, cô và các con chú về quê ngoại ăn Tết. Bình thường mọi năm, cô hay về quê nội. Không hiểu sao năm nay đòi về quê ngoại. Chú e đó là điềm gở, lo không biết cô có qua khỏi năm nay không. Chú nói bây giờ cuộc sống của cô tính từng ngày, được ngày nào hay ngày đấy. Chú nói mà mắt rơm rớm nước. Đêm giao thừa, chú ở trường. Khi pháo hoa bắn lên, đại gia đình cô hiệu trưởng nâng ly chúc mừng, chú đứng một mình ở bãi cỏ, ngửa mặt lên trời mà buồn. Nghĩ đến người vợ đang bệnh tật, nghĩ đến con ngày Tết gia đình không được đoàn tụ. Càng nghĩ, nước mắt càng rơi. Vậy mà cô Hiệu trưởng cũng không động viên được một lời. Những ngày trực Tết, bình thường ở các cơ quan khác, tiền trực Tết rất nhiều. Đây tiền trực tết chẳng là bao, đồ ăn uống cũng phải tự lo. Lãnh đạo thì ấm áp, no đủ trong những ngôi nhà ấm áp, giấc ngủ lúc nào cùng tròng vèn vẹn. Còn ở đây, các chú phải tự lo cái ăn. Đêm phải thức dậy mấy lần đi tuần. Chưa lúc nào giấc ngủ được tròn. Vậy mà lương bảo vệ có được bao nhiêu, mà hơi một chút thì lại bị trừ lương. Nghĩ mà tội!

Ba chú cháu vừa ăn vừa tâm sự. Chưa bao giờ tôi lại có cơ hội để nói chuyện nhiều với các chú như vậy. Các chú ai cũng tốt, cũng thương người, sống tình cảm. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng sao lại có nhiều người bất hạnh đến thế. Tôi không nói về cơ chế quản lý của trường tôi thêm nữa, vì nó làm quá nhiều người buồn. Tôi muốn cảm thông cho những con người quanh tôi, những con người tận tụy hết lòng vì công việc vì con người. Chắc tôi không có nhiều cơ hội để gần gũi với họ nhiều hơn, vì tôi đã quyết định rời khởi nơi này. Mong sao cho người ở lại sẽ được đối xử tốt hơn.