Friday, January 14, 2011

TIẾNG ĐỜI


Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau...!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!

Wednesday, January 12, 2011

BỮA TỐI

Bữa tối bắt đầu lúc 22h20 và kết thúc lúc 23h00. Bữa tối hôm nay có papa, mama và 1 vị khách ‘kiến thực’. Câu chuyện mở màn bằng những món ăn bình thường mama nấu hôm nay.

- Ông Tấn thấy không? 12 nghìn tiền thịt mà làm được 2 món rất ngon. Băm ra, 1 ít cho vào rau cải xanh, còn lại cho vào trứng.

- Cải xanh nấu cá rô mới gọi là ngon. Cái nước của nó á, cứ gọi là ngọt quên chết.

Bác Tấn nối tiếp câu của mẹ và cũng mở màn cho câu chuyện “Ngày xưa”.

- Lại nhớ cái thời đi hôi cá - mẹ tiếp nhời - tiên sư bố chúng nó, nghĩ mà thấy nhục.

- Thì cái thời hợp tác xã mà. Chưa đánh xong dân làng đã a lơ xô nhảy xuống. Cái bọn đánh cá nó ném bùn cho tung tóe hết cả lên.

- Ôi dồi ôi! Tôi còn nhớ nó ném bẩn hết cả bụng, cả mặt. Bà nào tóc dài thì về tốn hàng cưn bồ kếp.

- Đàn ông chúng nó còn ra xa, xục bùn còn bắt được nhiều. Mấy bà đàn bà ven ven bờ có bắt được khối ấy.

- Được bữa cá ăn có mà sướng cả đêm. Cái bọn này thì làm sao biết được hôi cá là gì – Mẹ nói và quay sang tôi.

Bố và nốt miếng cơm, cũng đóng góp cho câu chuyện thêm phần đông vui:

- Ngày xưa có cũng chả dám ăn. Cứ để dành phải đến các ngày lễ mới được mang ra ăn.

- Thì cà chua dưa lê đó – bác Tấn đỡ lời – Quả ngon thì nhặt để bán, toàn ăn cà chua thối và dưa vẹo nên giờ mới ngu thế này. (Xưa làng tôi chuyên trồng cà chua, dưa lê. Cà chua cho vụ đông và dưa lê cho vụ hè)

- Đúng thật – Mẹ tham gia – Ngày xưa ăn toàn cà chua thối. Cứ cắt ngang cắt dọc cho hết cái vết thối đi và cho vào nấu hoặc đun nước mắm. Mà ăn không hết còn mài ra, đun nước mắm cà chua đóng chai chất đống trong nhà đóng váng lên được. Nghĩ lại mà rùng mình.

- Ấy thế mà cơm nóng rưới nước mắm cà chua lại ăn được nhiều ghê. Cái ngày đấy chỉ cần no chứ chả cần ngon. Cứ ăn được nhiều cơm là thích.

- Tôi còn nhớ bà cụ nhà tôi cứ đóng hàng chục chai xếp xó nhà ăn dần. Ăn không nhanh nó đóng thành váng, bảo bỏ đi bà cụ nhứt định không bỏ. Ăn vào rồi đi ỉa tóe loe ra.

Bố đang nhai miếng trứng đúc thịt rõ ngon ở trong miệng. Hai bố con nhìn nhau khẽ cười. Mặt mẹ vẫn tỉnh bơ tiếp chuyện bác Tấn.

- Tôi còn nhớ - mẹ vẫn nói – đi gánh phân trâu. Cái nào mà nó có trấu thì nhẹ. Nhứt là phân nhà cái ông Tư Héo. Ghét nhứt cái lão đấy, cưn cứ kì kèo từng tí.

- Cái lão đấy thì ai chả ghét. Cứ đẩy đòn ghính ra xa thì lão lại kéo vào. Ăn gian cũng chả được với lão.

- Thì tôi cũng có kì kèo với lão đâu. Người như tôi thì gánh thế nào được bẩy mươi cưn cứt mà sợ.

Lúc này bố đang múc 1 muôi canh cải xanh nấu thịt vẫn thơm mùi gừng vào bát cơm. Miệng lại chúm chím vì cái đỗi hồn nhiên của mẹ.

- Cái bà này chắc là không biết thế nào là chúi hầm nhỉ? – Bác Tấn hỏi mẹ.

- Gứm! Ông lại tưởng tôi không biết. Cái giờ này ngày xưa á, chắc phải chui hầm 4 nần rồi. (Mẹ bị tật nói ngọng :P). Ngồi trong đó khốn khổ khốn nạn. Tối thế mà có con rắn con rết nó chui vào thì chết.

- Nhớ cái thằng bác sĩ đi ca xanh (“ca xanh” là gì thì chịu luôn) – bác Tấn nói – bom nó dội tránh không kịp, lòng trắng phớ treo trên ngọn nhãn. Tôi còn tưởng là lòng lợn. Bố tiên sư!

- Thì cái hồi đấy, có lần (lần này mẹ lại không ngọng :”>) đang ở ngoài đồng, bọn nó réo bom, chả có chỗ nào trú, tôi hoảng nên chỉ kịp cho đầu vào cái đống rạ nó dựng ngoài ruộng.

- Ơ, thế đầu mẹ chui vào, thế đít thì vẫn ở ngoài ạ? – Tôi hồn nhiên không kém :P

- Thì lúc đó làm gì có chỗ nào mà chui. Cho cái đầu vào ít ra còn tránh được mảnh đạn.

Câu chuyện cứ tiếp diễn cho đến khi bữa tối hoàn thành. Chuyện ngày xưa, rất thô nhưng lại chân thực, sống động đến từng milimet. Tôi phục những con người của ngày xưa. Phục nhứt là bố vì bố vẫn ăn rất ngon lành trên sự “ngây thơ, hồn nhiên” vô cùng “đáng yêu” của mẹ.